top-banner-2

Cẩm nang Kinh doanh Thứ tư, 29/11/2023, 14:50 GMT+7
Việt Nam áp thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024

Từ 1/1/2024, Việt Nam áp thuế tối thiểu toàn cầu và Quốc hội giao Chính phủ trong năm sau nghiên cứu lập quỹ hỗ trợ đầu tư lĩnh vực công nghệ cao.

Sáng 29/11, với trên 93,5% đại biểu tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (thuế tối thiểu toàn cầu).

Thuế tối thiểu toàn cầu là thỏa thuận của các nước G7 đạt được vào tháng 6/2021 để chống lại các tập đoàn đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang nước có thuế suất thấp để tránh thuế.

Theo nghị quyết này, Việt Nam sẽ áp thuế tối thiểu toàn cầu từ 1/1/2024. Thuế suất sẽ áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong hai năm của 4 năm liền kề nhất. Các nhà đầu tư thuộc diện chịu thuế sẽ buộc phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.

Ngân sách ước tính sẽ thu được hơn 14.600 tỷ đồng khi 122 tập đoàn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nộp thuế này, theo rà soát của cơ quan thuế.

Tuy nhiên, việc áp thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong thời gian hưởng ưu đãi miễn giảm thuế, có thuế suất thực tế thấp hơn 15%. Tức là ưu đãi về thuế của Việt Nam dành cho các doanh nghiệp ngoại sẽ không còn tác dụng, nên có thể ảnh hưởng tới môi trường đầu tư.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh. (Ảnh: Quochoi.vn).

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh. (Ảnh: Quochoi.vn).

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. 

Trước khi Quốc hội thông qua nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết có khả năng doanh nghiệp phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu ở Việt Nam sẽ khiếu kiện trong trường hợp họ muốn nộp khoản thuế này về "nước mẹ".

Do đó, ngoài ban hành nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng Chính phủ cần chủ động chuẩn bị, có giải pháp và phương án xử lý phù hợp nếu xảy ra tranh chấp, khiếu kiện để đảm bảo môi trường đầu tư.

Chính phủ được giao chuẩn bị các điều kiện, lộ trình triển khai các hoạt động hợp tác đa phương với các nước, tổ chức bộ máy trong nước để bảo đảm năng lực thực hiện cho cơ quan thuế, người nộp thuế khi Việt Nam thu thuế này từ đầu năm 2024.

Theo nghị quyết, khoản thanh toán chịu thuế dưới mức tối thiểu có hiệu lực từ 1/1/2025 sẽ được đưa vào Luật thuế thu nhập doanh nghiệp khi sửa đổi. Quốc hội giao Chính phủ sớm xây dựng hồ sơ dự án Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2024 để có thể áp dụng từ năm 2025.

Việc này nhằm đảm bảo giữ quyền đánh thuế với các khoản thanh toán chịu thuế dưới mức tối thiểu của Việt Nam theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu.

Thuế tối thiểu toàn cầu là một loại thuế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng. Hiện 142/142 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam đồng thuận. Với loại thuế này, các tập đoàn, công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu euro trở lên sẽ đều phải đóng thuế 15%, dù là ở bất kỳ quốc gia nào.


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

hoa-moc-thien

e-banner-wedding-2

hoa-moc-thien-2

E-banner-Dim-Sum-Weekend-01

viettien

metro-sai-gon