top-banner-2

Cẩm nang Kinh doanh Thứ sáu, 03/11/2023, 11:11 GMT+7
Dự thảo Luật Đất đai: 16 vấn đề chưa chốt được phương án

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội dành cả ngày hôm nay 3/11 để thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề cập 5 nội dung đã thống nhất 1 phương án, 16 vấn đề vẫn đang thiết kế từ 2 - 3 phương án.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. (Ảnh: quochoi.vn)

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. (Ảnh: quochoi.vn)

Bên cạnh các nội dung có một phương án, Ủy ban Thường vụ cũng giải trình, tiếp thu các nội dung có hai phương án và xin ý kiến Quốc hội.

Đó là nội dung về quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài; Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm; Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Về nguyên tắc lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất các cấp; Về chỉ tiêu sử dụng đất được xác định trong nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và cấp huyện; Về tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh, chỉ tiêu sử dụng đất cấp huyện; Về thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ; Về phát triển, khai thác và quản lý quỹ đất...

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xin ý kiến Quốc hội về một số quy định có ba phương án: Về cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa; Về nguyên tắc lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất các cấp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, chất lượng dự thảo Luật đã từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu. Trong quá trình rà soát tiếp tục phát sinh các vấn đề chính sách mới có ý kiến khác nhau do phạm vi của dự án Luật Đất đai rất rộng, liên quan mật thiết, chặt chẽ với nhiều quy định tại các luật khác. 

Bên cạnh đó, các quy định có tính kế thừa về mặt lịch sử, ghi nhận chính sách của Nhà nước qua các thời kỳ, một số nội dung tuy là trình tự, thủ tục nhưng được luật định do tác động trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ người sử dụng đất. Vì vậy, công tác hoàn thiện các quy định đòi hỏi hết sức kỹ lưỡng, thận trọng. 

Còn theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận tại tổ, tại Hội trường ở Kỳ họp thứ 4, Kỳ họp thứ 5. Dự thảo luật cũng được lấy ý kiến rộng rãi cử tri và nhân dân trên cả nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nhiều lần cho ý kiến về dự án luật, tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận về dự án luật này.

Dự thảo luật cũng đã được gửi xin ý kiến Chính phủ, các đoàn ĐBQH, dự kiến nếu đủ điều kiện và đảm bảo chất lượng, luật sẽ được thông qua tại Kỳ họp này. Mặc dù đã quyết tâm, nỗ lực, nhưng tài liệu gửi tới Quốc hội vẫn chưa được kịp thời theo quy định. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm. 

"Dự án luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật đồ sộ, khó, phức tạp, là nhiệm vụ lập pháp quan trọng của cả nhiệm kỳ. Việc sửa đổi luật huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp nhân dân.

Quy định của luật ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, quyền và lợi ích của người dân. Chất lượng của dự án luật phải được đặt lên hàng đầu, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học, thực tiễn", ông Hải nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. (Ảnh: quochoi.vn)

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. (Ảnh: quochoi.vn)

Hai phương án liên quan đất cho nhà ở thương mại

Trong số những nội dung có hai phương án được Ủy ban Thường vụ xin ý kiến Quốc hội, vấn đề thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ được dư luận đặc biệt quan tâm.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, một số ý kiến đề nghị quy định rõ dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ là một trong các trường hợp thu hồi đất; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định các tiêu chí để quyết định các dự án loại này thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; còn lại là các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất.

Về nội dung này, dự thảo luật thiết kế hai phương án:

Phương án 1 là tiếp thu các ý kiến và trên cơ sở Báo cáo số 598/BC-CP, dự thảo Luật đã chỉnh sửa tương ứng tại khoản 27 Điều 79, khoản 1 Điều 126 và khoản 1 Điều 127. Theo đó, dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất.

Tuy nhiên, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất chỉ là hình thức Nhà nước giao đất, cho thuê đất, không phải tiêu chí, điều kiện để thu hồi đất, chưa phù hợp với yêu cầu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW về quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Phương án 2 tiếp thu các ý kiến theo hướng quy định dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ gắn với tiêu chí, điều kiện cụ thể thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Về quy định giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, đây là nội dung mới đối với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, có thể có độ trễ trong việc triển khai thực hiện trên thực tế trong thời kỳ đầu thực hiện quy định khi Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chưa kịp ban hành tiêu chí, điều kiện để có cơ sở xem xét, quyết định trong từng trường hợp cụ thể.

Vì vậy, đề nghị nghiên cứu có tiêu chí cụ thể tại luật để làm cơ sở giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Chính phủ thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật để có cách hiểu thống nhất, tránh rủi ro trong quá trình tổ chức thực hiện và có hướng dẫn cụ thể để bảo đảm tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của quy định này, tránh vướng mắc khi triển khai trên thực tế.

Về thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc sử dụng quyền sử dụng đất đang có để thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự thảo hiện đang để hai phương án.

Theo đó, phương án 1 giữ quy định về các loại đất được làm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất như Luật Nhà ở hiện hành: chỉ được thực hiện dự án nhà ở thương mại đối với trường hợp đang có quyền sử dụng đất nếu đó là đất ở hoặc đất ở và đất khác (không phải đất ở, bao gồm cả đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp); chỉ được thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở.

Phương án 2 đề nghị mở rộng về các loại đất được làm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất điều kiện được nhận chuyển nhượng không giới hạn về các loại đất. Chính phủ đề xuất theo hướng này tại Báo cáo số 598/BC-CP.

“Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Phương án 1 và xin ý kiến Quốc hội về nội dung này”, ông Vũ Hồng Thanh nói.

 (Nguồn: Vtc.vn)

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

kndn

bhql

hoa-moc-thien

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau

ong-xinh